THU NHẬP CỦA NGƯỜI QUẢNG NINH – KIÊN GIANG SẼ LÊN TỚI 13000 USD NHỜ ĐẶC KHU KINH TẾ

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người tại 3 tỉnh Khánh Hoà, Quảng Ninh, Kiên Giang, lên khoảng từ 9.000 đến 13.000 USD vào năm 2030.
 
Thu nhập người dân Quảng Ninh, Kiên Giang... sẽ lên tới 13.000 USD nhờ “đặc khu kinh tế”
 

Tại Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định việc xây dựng dự án luật này là rất cần thiết trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Bộ này, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.

Đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo bước đột phá về thể chế hành chính – kinh tế ở những khu vực có vị trí, tiềm năng đặc biệt thuận lợi nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể nhân rộng trong cả nước những cơ chế, chính sách và mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả và tạo hiệu ứng lan tỏa, tạo động lực cho nền kinh tế trong nước.

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, việc áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại của các tỉnh xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Theo tính toán của Bộ này, tới năm 2030, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD /năm.

Trong khi đó, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong sẽ tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.

Kết quả đánh giá tổng hợp của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho thấy sau giai đoạn 2020, các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người của các địa phương có 3 đặc khu này.

Cụ thể như tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.

Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí và 01 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), bình quân đầu người của Việt Nam ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD. Như vậy, với việc nâng thu nhập lên tới 9.000-13.000 cho người dân khu vực này sẽ là một điều tích cực lớn đối với nền kinh tế nói chung.

Trả lời